top of page

Giáo dục: Tương lai và đổi mới

Sau PEN2020, mình được bạn học chung tặng cuốn Giáo dục tương lai & Đổi mới. Đây là ghi chép hành trình của TS. Nguyễn Chí Hiếu trong thời gian nhận Eisenhower Fellowship. Đọng lại trong mình là trăn trở đổi mới phương pháp dậy học, đặt giáo dục tính cách (kiên trì, tích cực, tôn trọng) lên trên điểm số bài thi quy chuẩn.


1. Sáu cái bóng của quá khứ


Tác giả bắt đầu bằng 6 sai lầm của giáo dục trước đây và hiện tại:

  • Tư duy môn học đơn lẻ: Trong đó, các môn học được đóng khung trong chính lý thuyết chuyên ngành của môn học đó. Không có sự kết nối liên ngành giữa các môn học trong nhà trường.

  • Nỗi ám ảnh mang tên quá khứ: Học sinh bị nhồi nhét quá nhiều thông tin cũ về những thành công thất bại trong quá khứ, các lý thuyết lỗi thời.

  • Kiểm tra, thi cử thường xuyên: Bài kiểm tra chuẩn hoá chỉ nên là một lát cắt trong năng lực học sinh. Ngoài ra, học sinh cần được trang bị năng lực học tập trọn đời, sáng tạo, kiên định, và lãnh đạo.

  • Học là phải có nghề: Quan điểm học để ra trường làm một nghề nhất định đã lỗi thời. Thay vào đó, cần trang bị cho học sinh kỹ năng cốt lõi để học tất cả các nghề, : tính tò mò, khả năng tiếp cận và phân tích thông tin, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, hợp tác nhiều cộng đồng đa dạng, khả năng giao tiếp (nói, viết), khả năng ứng phó và thích ứng, tư duy sáng tạo và khởi nghiệp.

  • Ghi chép và ghi nhớ: Ghi chép không nên là trọng tâm của một tiết học. Việc ghi chép đầy đủ không đồng nghĩa với việc hiểu bài.

  • Vai trò lệch của thầy cô: Giáo viên nên làm một huấn luyện viên truyền cảm hứng và đồng hành cùng học sinh.

Trong môi trường Việt Nam hiện tại, mình vẫn còn thấy hiện hữu những cái bóng này. Đặc biệt là vấn đề kiểm tra và thi cử. Học sinh lấy việc học lấy điểm cao trong các kỳ thi quy chuẩn làm đích đến của học tập. Để nói rõ hơn về quan điểm này, mình xin trích lại một đoạn chia sẻ của cựu học sinh FTU mà mình khá tâm đắc (Tất nhiên nội dung này không áp dụng nếu bạn muốn tiếp tục học lên tiến sĩ và làm giảng viên)

2. Học sâu

Thay vì việc ôm đồm kiến thức, giáo dục cần tập trung vào học ít nhưng sâu. Học sinh cần được thảo luận, đào sâu chủ đề liên quan, và nâng cao năng lực tự học. Thay vì những đơn vị kiến thức nhỏ lẻ, giáo viên cần tập trung vào những câu hỏi lớn và cần thiết (Big, Essential Question). Đó là những câu hỏi gợi mở cho tư duy Moonshot thinking

Đặc điểm câu hỏi lớn bao gồm:

Nguồn: Essential Questions by Jay McTighe and Grant Wiggins

Đó cũng là lý do tại sao mình ghét cay ghét đắng các trường luyện thi (cram schools). Khi học sinh bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức, đồng nghĩa với việc bóp chết tính sáng tạo, kiên trì, và khả năng tự học.


Tác giả đưa ra ví dụ về học sinh Nhật học 01 tác phẩm mỹ thuật, học sinh Mỹ mổ xẻ 1 cuộc chiến. Tại Mỹ, mô hình giáo dục KIPP (The Knowledge is Power Program) đột phá giáo dục công thông qua việc gọt lại kiến thức và thực hành qua phương thức học sâu. Năm 2018, khối trường dành cho những học sinh "yếu kém" và thu nhập thấp này có tỷ lệ học sinh hoàn thiện cấp ba đạt 91%, vượt trội so với trường có thu nhập thấp tương đương (76%).


Để áp dụng tại Việt Nam, chúng ta cần một cuộc cách mạng đột phá trong đầu ra của giáo dục. Hoặc ít nhất, giáo viên được tự chủ giáo án và được phép yêu cầu học sinh tự học những kiến thức cần thiết tại nhà. Đây có thể là ý tưởng (điên rồ) với giáo dục truyền thống. Bằng chứng là mình đã thử áp dụng việc thảo luận nhiều trên lớp và feedbacks mình nhận từ học sinh là: "Cô ơi, em muốn cô chữa bài tập và dậy từ sách giáo khoa nhiều hơn. Cô nêu các vấn đề ngoài ít thôi ạ (?!)".


Công bằng mà nói, vấn đề này không chỉ tồn tại riêng ở Việt Nam. Chính giáo dục Mỹ, nơi khởi xướng các tư duy mới trong giáo dục vẫn đang loanh quanh với những mục tiêu đầu ra như Race to the Top hay Every Student Succeed Act. Với tư cách một người đã từng làm trong khối Nhà nước, mình hiểu việc cần thiết của việc đặt ra một mục tiêu chính sách. Trong thời điểm hiện tại, điểm số và tỷ lệ tốt nghiệp là những tiêu chí dễ đo đạc hơn. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu giáo dục lượng hoá những đầu ra "mới" làm căn cứ đưa các chính sách giáo dục theo đúng định hướng và quỹ đạo mới.

Với muôn ngàn ý tưởng và câu hỏi, vậy giáo dục nên neo vào đâu? Theo David Perkins, đó là "Tư duy và tính cách"


Theo Howard Gardner, giáo dục tương lai cần hướng tới các tư duy sau:

  • Tư duy chuyên ngành: Là mục tiêu truyền thống của giáo dục. Một môn học đòi hỏi "mô hôi và nước mắt".

  • Tư duy tổng hợp: năng lực đúc kết các kiến thức dàn trải thành mô típ, diễn đạt và truyền tải thông tin đến những đối tượng ở mức hiểu biết khác nhau.

  • Tư duy kiến tạo: năng lực đặt các câu hỏi mới, câu trả lời mới, giải pháp mới, kiến tạo sản phẩm mới, hoặc đúc kết cách nghĩ mới.

  • Tư duy tôn trọng: Tôn trọng sự khác biệt của cá thể, cộng đồng, văn hoá và xã hội khác nhau nhưng tồn tại đồng thời trong cuộc sống.

  • Tư duy đạo đức: Hình thành các hành động và cách nghĩ "đúng đắn" trong công việc, gia đình và xã hội.

Quay lại với KIPP, tính cách được coi là trọng tâm chính trong hệ thống trường. Học sinh cần được học để xây dựng tính cách (hay siêu nhận thức - metacognitive) cho một người trẻ của tương lai. Những tính cách đó là:

  • Lạc quan (Positive Psychology): Thay vì việc luyện tập và vô tình kích hoạt 15.000 noron thần kinh Bất lực (dorsal raphe nucleus) hãy đưa học sinh biết tới Hệ dây thần kinh hy vọng (ventromedial prefrontal cortex).

  • Tính lì đòn (Grit): Sự kiên định, tính chăm chỉ, khả năng kiểm soát bản thân, và tinh thần lạc quan là công cụ then chốt để cải thiện học tập và cả đời của trẻ.


3. Con người là gốc rễ

Trong cuộc chạy đua của giáo dục, cơ sở vật chất chỉ là "nước sơn". Một cuộc chạy đua bề mặt với: sân chơi to, bàn ghế đẹp, nhà vệ sinh sạch sẽ, không gian nhiều cây xanh. Nhưng lặng thầm và quan trọng hơn đó sự "tốt gỗ" từ chính đội ngũ giáo viên.

Một trường sang trọng, đầu tư nhiều tiền bạc, cơ sở vật chất hoành tráng không phải lúc nào cũng qua mặt một trường làng nghèo khó, nếu như trái tim của người làm trường và người đứng lớp không toàn tâm toàn ý đặt vào lũ trẻ

Một trong những người đang thầm lặng làm công việc này là Peter Tang giám đốc của tổ chức SCORE (State Collaborative on Reforming Education) thuộc bang Tennessee. Trong bản kế hoạch Roadmap-to-Success, SCORE đặt mục tiêu xây dựng khung đánh giá hiệu quả giáo viên làm căn cứ xây dựng kế hoạch nhân sự, lương, thưởng, v.v.


Một hoạt động quan trọng trong chương trình này là giáo viên thường xuyên được dự giờ đột xuất, phản hồi, và rút kinh nghiệm thường xuyên trong năm. Số lần dự giờ được đưa ra là từ 15 - 25 lần/năm. Đa phần các giáo viên truyền thống truyền đạt lại cho học sinh theo cách mà họ được hướng dẫn. Điều này sẽ làm lối mòn chạy theo lối mòn. Giáo viên cần được học tập và tiếp cận những xu hướng giảng dậy mới.


Sự ra đời của các trường tư hay tư bản hoá giáo dục đã đưa người giáo viên thành người cung cấp dịch vụ. Khách hàng là phụ huynh và học sinh. Bên cạnh việc giảng bài trên lớp, giáo viên được "giao thêm" việc thực hiện các "dịch vụ khách hàng như báo cáo với phụ huynh qua Viber/Zalo/Facebook nếu con quên làm bài tập hoặc quên mang sách vở. Hoặc mệt mỏi hơn, đó là những cuộc gọi hàng giờ than phiền từ phụ huynh. Còn thời gian đâu để giáo viên sáng tạo? đổi mới? Tôi chợt nhớ đến Carter trong Coach Carter (2005). Đã đến lúc các phụ huynh tôn trọng quyền của giáo viên trong trường học.

Giáo viên là kiến trúc sư, các bài giảng là nền nhà. Học sinh bước vào toà nhà ấy, ta nên chất đầy nó với ý nghĩa và những giá trị cuộc sống, để bước ra khỏi toà nhà, chúng trường thành hơn và mong muốn quay trở lại toà nhà ấy vào hôm sau.

Để có được những giáo viên "mới", nền giáo dục cũng cần có những nhà quản lý giáo dục xây dựng ngôi trường cấp tiến (progressive). Cuốn sách chỉ ra những đặc điểm quan trọng của một nhà lãnh đạo giáo dục, bao gồm:

  • Xây dựng và thúc đẩy được một văn hoá học tập mạnh mẽ, xuyên suốt cả hệ thống. Xây dựng hệ thống phát triển chuyên môn trên cơ sở mục tiêu giáo dục và khung năng lực của học sinh

  • Trao quyền để nhiều tầng lớp quản lý và giáo viên chủ động xây dựng, làm chủ và phát triển mục tiêu của trường học. Giám sát và quản lý học sinh và giáo viên trên một hệ thống dữ liệu minh bạch và chặt chẽ.

  • Tái cấu trúc thời gian biểu của bản thân nhằm không bị phân tán bởi việc ít tạo ra giá trị đột phát như cơ sở vật chất, báo cáo, họp hành. Tập trung vào các giáo trị sâu hơn như chương trình, phát triển chuyên môn, năng lực đội ngũ nhân viên, phát triển năng lực bản thân về giáo dục và quản lý.

Cuốn sách mang nhiều gợi mở cho mình với tư cách một giáo viên và một người đam mê nghiên cứu giáo dục. Chặng đường này còn dài với nhiều lời ra tiếng vào. Trong lúc đó, mình và đồng nghiệp nhắc nhau theo lời anh Hiếu. Tâm an là một chiếc neo tốt trong những dòng xoáy kể trên. Nhưng vẫn vẫn cứ Think big - Be free - Ask why

Trong thẳm sâu tâm trí , mỗi người đã, đang và sẽ lựa chọn con đường Giáo dục, hai chữ "Vì sao" nguyên khôi và tốt đẹp được gắn với những đứa trẻ. Có khi đó, chung ta vững chân hơn một chút, bình yên hơn một chút, làm giáo dục và sống một đời để lại nhiều hoa thơm và ít hối tiếc.

Other resource:

204 views1 comment

Recent Posts

See All

How I teach differently this year

Every year, around this time, I revamp my teaching materials. This year, I switched to the co-construction approach of teaching. Before each chapter, students in the team will send me articles, movies

bottom of page