top of page

BOOK REVIEW TƯ DUY KINH TẾ VIỆT NAM 1975 - 1989

Một trong những cuốn sách quan trọng nhất mình đã đọc trong tháng này là Tư duy kinh tế 1975 - 1986. Đây là bức tranh toàn cảnh kinh tế đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường. MÌnh xin phép tóm tắt lại nội dung của cuốn sách nhằm gợi mở cho bạn đọc về những gì đã từng xẩy ra ở nước ta.

Giai đoạn 1975 - 1979

Tư duy Kinh tế giai đoạn này gắn liền với Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Trên cơ sở mô hình kinh tế của Preobrazhensky được tóm lược tại ABC của chủ nghĩa cộng sản, Lê Duẩn đã huy động nhóm các nhà kinh tế để chắp bút viết lên tác phẩm "Dưới lá cờ vẻ vang" vào 2/1970. Mô hình kinh tế của Lê Duẩn kế thừa học thuyết Marx - Lenin một cách "sáng tạo và độc đáo".


Chủ nghĩa xã hội sùng bái quy mô "gigantomania". Ở một phương diện nào đó, quy mô lớn sẽ tạo ra hiệu quả. Hình thái rõ nhất là việc gộp các tư liệu sản xuất trong các hợp tác xã quy mô lớn. Theo Lê Duẩn, kinh tế Việt Nam cần sắp xếp lại thông qua 03 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, và cách mạng tư tưởng văn hoá. Cách mạng quan hệ sản xuất đồng nghĩa điều chuyển tiểu thương sang thành phần lao động, tránh tư hữu hoá công cụ sản xuất. Cách mạng kỹ thuật được coi là trọng tâm của cải cách, hướng tới phát triển công nghiệp nặng. Các ngành công nghiệp nhẹ và nông nghiệp sẽ "nhường bước" và tạo cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp nặng. Cách mạng văn hoá thấm nhuần xã hội theo đường lối XHCN. Trong phạm vi cách mạng văn hoá, Chính phủ thực hiện kế hoạch đánh tư sản mại bản với mật danh X2: tịch thu tiền mặt, tài sản, và đưa người buôn bán phi sản xuất về nông thôn và các vùng kinh tế mới. Cải tạo văn hoá bao gồm tịch thu đĩa nhạc cũ "nhạc vàng", cấm thanh niên mặc quần ống vẩy, để tóc dài, v.v. Trên cơ sở sự phát triển của cả 3 cuộc cách mạng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được phát triển đồng đều và toàn diện hay theo Lê Duẩn đó là sự "bừng nở toàn thân".


Cũng "dưới lá cờ vẻ vang", khái niệm "làm chủ tập thể" được giới thiệu. Mỗi người lao động vì toàn xã hội, cả xã hội làm việc vì mỗi người. Lê Duẩn bổ sung công thức Chủ nghĩa cộng sản của Lênin, theo đó:

  • Công thức của Lenin: Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô Viết + điện khí hoá

  • Công thức của Lê Duẩn: Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô Viết + điện khí hoá + làm chủ tập thể

Toàn bộ nền kinh tế được thực hiện qua chế độ kế hoạch hoá tập trung. Uỷ ban Kế hoạch nhà nước thực hiện nhiệm vụ chiến lược này. Tại Liên Xô, khoảng 2.000 cân đối được thực hiện tại Uỷ ban Kế hoạch nhà nước (Gosplan) và 10.000 cân đối được thực hiện Tại Tổng cục vật tư nhà nước và các Bộ. Để nhận xét về cơ chế này, Đặng Phong trích lời A. & H. Toffer (1996)

Một nhà máy đóng giầy ở Irkutsk phải sản xuất bao nhiêu đôi, bao nhiêu cỡ? Cần bao nhiêu chiếc đinh ốc cho những người quen vặn ốc bằng tay trái? Tỷ giá thế nào giữa dưa chuột và bộ chế hoà khí động cơ?... Biết bao nhiêu thế hệ các chuyên gia kế hoạch của nước XHCN đã phải vật lộn một cách vô hiệu khi giải quyết những bài toàn này của tri thức. Các nhà kế hoạch đó cần đòi hỏi thêm nhiều số liệu để tính toán chính xác hơn thì lại càng tiếp nhận được nhiều báo cáo láo ...

Một điểm khác biệt của Kinh tế XHCN là tách lao động ra ngoài yếu tố đầu vào sản xuất. Sản phẩm của lao động không được định giá mà trao đổi trong nền kinh tế hiện vật.

Sức lao động không phải là hàng hoá, ruộng đất, khoáng sản sản là sở hữu của Nhà nước, không thể thành đối tượng mua bán. Xí nghiệp quốc doanh không thế mua bán, mà chỉ có thể chuyển từ cơ quan Nhà nước này đến một cơ quan Nhà nước kia...

Bài toán đặt ra tiếp tiếp theo của các nhà Kinh tế XHCN là đo đạc giá trị hàng hoá, sản phẩm lao động nói chung. Các nhà Kinh tế Liên Xô dừng lại ở mức định giá tương đối thông qua giá trị giả định. Nhà nước định giá hàng hoá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị giả định. Quy định này tạo tiền đề cho việc định giá nông sản thấp với mục tiêu tạo điều kiện phát triển công nghiệp nặng. Đơn vị đo trong thời điểm này gắn liền với hiện vật: tấn tóc, tấn xi măng, mét vải... Tiền tệ được quy đổi theo tem phiếu, giấy giới thiệu, hay lệnh xuất kho. Tỷ giá ngoại tệ được quy định bởi Nhà nước quy đổi theo đồng Rúp (RCN), thanh toán trên cơ chế thu - bù chênh lệch ngoại thương. Cơ chế giá này đem đến nhiều nghịch lý.

Giá nhà nước cho 1 tấn than cám là 17,2 đồng, 1m3 gỗ là 60 đồng. Giá một đôi guốc bán ở phố Hàng Điếu, Hà Nội là 15 - 20 đồng. Như vậy, 1 tấn than cám cũng chỉ tương đương với 1 đôi guốc, 1m3 gỗ tương đương giá 3 đôi guốc

Từ năm 1975, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang đấu tranh nội bộ dân tộc về mặt giai cấp. Tinh thần bài xích tư sản và yếu tố nước ngoài dâng cao. Tư duy kinh tế trung ương tập quyền đã gây ra sự ỷ lại của toàn xã hội.


Giai đoạn 1979 - 1986


Nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này của Việt Nam được ví như một "cuộn chỉ rối": nhập nhằng của nền kinh tế địa phương và Trung ương, của cái ta và chúng ta, của lợi ích và tăng trưởng. Thực tiễn đã dần phản ách hiệu quả của chính sách. Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải thốt lên:

Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi.

Trong giai đoạn này, Đặng Phong chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn:

  1. Giai đoạn 1979 - 1981

Trong giai đoạn này, Trung Quốc và Liên Xô giảm viện trợ cho Việt Nam. Sức ép kinh tế buộc Việt Nam ra khỏi khối SEV, bỏ ưu đãi trong khối khi áp dụng giá trượt*. Nền kinh tế buộc phải "cai sữa". Tình hình thiếu hụt diễn ra ngày càng trầm trọng ở khắp mọi nơi.


Ngay cả ngành nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam cũng gặp tình trạng sa sút nghiêm trọng. Nguyên nhân chính thuộc về cơ chế tập thể hoá. Ý tưởng “vì cộng đồng” được tiến hành một cách mệnh lệnh, gò ép dẫn đến 70% đầu máy bị xếp xó, 1,,8 triệu ha bị bỏ hoang (Theo lược ghi ý kiến của PTT Phạm Hùng, 1979). Đến năm 1980, Việt Nam nhập khẩu lương thực nhiều nhất trong lịch sử: 1.570.000 tấn. Nguyên lý người uỷ nhiệm và người thừa hành (Principal-Agent Problem) được sử dụng để lý giải nguyên nhân thất bại của sản xuất tập thể,

Nguyên nhân chủ quan là tinh thần giác ngộ cách mạng của người lao động chưa tương xứng với mô hình kinh tế mới, ý thức tự do, tản mạn, đầu óc tư tư hữu của nông dân, tiểu tư sản còn nặng, cần phải có cuộc cách mạng tư tưởng.

Trong khi đó, nạn đói thời chiến kéo dài qua thời bình khiến người dân bắt đầu có tư tưởng phê phán mỉa mai chính quyền:


XHCN = Xếp hàng cả ngày

Chủ nghĩa cộng sản = Mất điện toàn quốc + Chính quyền phường


Trong giai đoạn cấp bách này, ở cấp trung ương đã bắt đầu xuất hiện cách suy nghĩ “cởi trói” và “bung ra” cho sản xuất. Lãnh đạo cấp cao chủ động tham khảo kinh nghiệm quốc tế và “đi xuống cơ sở”. Võ Văn Kiệt, lúc đó còn là Bí thư thành Uỷ HCM, đã tâp hợp chuyên gia kinh tế thế hệ cũ như TS. Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Diệp, Trần Đình Bút v.v để đưa ra góp ý về tiền tệ, sản xuất, hay ngoại thương cho chính quyền TW. Đã có những tư duy “cởi trói cho sản xuất bằng cách phá rào”. Ở miền Bắc, Hải phòng được thử nghiệm cơ chế khoán trong nông nghiệp thay cho kế hoạch. Ở phía Nam, An Giang và nhiều tỉnh Nam Bộ đã chủ động “phá rào”**

Làm chủ tập thể trong thực tế đã dẫn tới tình trạng vô trách nhiệm, thậm chí vô chủ.

Cơ chế “bán như cho” được thừa nhận sai lầm và điều chỉnh. Cải cách giá lần đầu tiên được thực hiện năm 1980. Bộ Chính trị ra Thông báo số 14-TB/TƯ cho phép bán theo giá thoả thuận và thực hiện thị trường một giá. Hệ thống bìa A, B, C áp giá khác nhau cho từng cấp cán bộ cũng được phá bỏ.


Năm 1981, Chỉ thị 100/CT hay “Khoán 100” cho phép áp dụng cơ chế chế khoán cho toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam. Như vậy, cơ chế công điểm và ăn chia trong hợp tác xã được bãi bỏ. Cuối giai đoạn này, kinh tế cả nước đã khởi sắc với sản lượng tăng bình quan 15%, giờ công lao động tăng 25 - 30 %, thời gian tăng 50% (Võ Chí Công)

Sau khi đã nộp đủ thuế nông nghiệp và bán nông sản cho Nhà nước theo hợp đồng hai chiều, người sản xuất được tự do lưu thông. Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán tổ chức mua bằng giá thoả thuận để nắm thêm nông sản hàng hoá.

2. Giai đoạn 1983 - 1984


Phong trào phá rào cho sản xuất đã cởi bỏ nút thắt cho nền kinh tế nhưng không tránh khỏi hiện tượng lộn xộn trong nền kinh tế. Việc tranh mua tranh bán theo giá thương lượng đẩy giá thị trường tăng cao. Nhà nước vì vậy giảm khá năng thu mua, Ngân sách thiếu hụt, phải phát hành thêm tiền và lạm phát tăng cao. Các kế hoạch của Nhà nước không đạt được tiến độ. Chính phủ quyết định “lập lại trật tự” và quay lại với quan niệm cũ. Trong đó, nổi trội nhất là chiến dịch Z.30 thu hồi “tài sản bất minh” để nhập vào Ngân sách.


Ti vi, tủ lạnh, Honda

Có ba thứ ấy khám nhà như chơi


Nội bộ xã hội xuất hiện xu hướng tả khuynh cực đoan căm ghét người “khá giả”. Mãi đến sau này, chiến dịch Z.30 được cọi là “sai lầm, trái pháp luật”. Như Đặng phong nhận định đây là thời gian “dò đá qua sông” không tránh khỏi những bước lùi.

3. Giai đoạn 1984 - 1985


Quay lại quan điểm cũ cũng không phải là lối thoát. Đến năm 1984, nền kinh tế càng diễn biến xấu đi. Tiền lương nhân viên và cán bộ chỉ đủ cho 1 tuần đến 10 ngày sống. Uỷ viên Bộ Chính trị bấy giờ, đồng chí Trường Chinh đã làm 2 việc quan trọng góp phần hình thành tư duy kinh tế mới: 1) Sử dụng bộ óc mới từ chuyên gia; 2) Tìm cách thâm nhập thực tế để hiểu đúng sự thật.


Trong suốt giai đoạn này, ông đi khảo sát tình hình các tỉnh miền nam như Long An, An Giang, Đồng Tháp để hiểu khoảng cách giữa báo cáo và thực tế cuộc sống. Những thực trạng Trường Chinh buộc phải suy nghĩ lại một loạt vấn đề. Để hoàn thiện tư duy kinh tế, Tổng Bí thư tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ chuyên ngành như Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương hay Uỷ ban Vật giá nhà nước và chắp bút bài phát biểu mang tính đột phá. Tại hội nghị TW6, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu văn kiện mang tính đột phá mang tính "phản tỉnh". Theo đó, ông thẳng thắng phê phán mô hình đang ứng dụng là phi kinh tế, không thể chấp nhận được. Đến Hội nghị TW8, Trường Chinh đã đưa ra kết luận chính trị kết thúc tư duy quản lý kinh tế kế hoạch hoá:

Chúng ta sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, chuyển sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan.

Từ năm 1985, Nhà nước thực hiện dứt khoát hơn các chinh sách Phá rào lần 2 với cải cách tiền lương và giá. Cuộc cải cách này kéo theo cuộc đổi tiền lần 3 vào 15/9/1985

Kết quả của việc đổi tiền cho thấy tiền năm trong nhân dân tương đối ít, tiền nằm trong tay tư sản không đáng kể, chung ta đã đánh hụt. Phần lớn tiền lại nằm trong tay công ty, xí nghiệp, và các địa phương. Điều này cho thấy sự mất tin tưởng với hệ thống ngân hàng ngay từ những đơn vị nhà nước, vừa cho thấy sự thiếu kỷ luật trong quản lý khu vực nhà nước.

Giai đoạn 1986 - 1989


Giai đoạn nở rộ các think tank như Tổ Tài chính và tiền tệ, Tổ giá cả, Tổ nghiên cứu ngoại thương, v.v. Bên cạnh đó là câu lạc bộ Giám đốc gồm 100 giám đốc, bí thư, Thư ký công đoàn của nhà máy quốc doanh. Tư duy kinh tế dần theo hướng tiếp thu ý kiến từ nhiều thành phần kinh tế. Trường Chinh cũng thực hiện quan điểm lãnh đạo mới thẳng thắn hơn:

Nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật

Nền kinh tế chuyển động mạnh thành nền kinh tế thị trường. Nhà nước không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt giá. Cơ chế giá và tỷ giá theo sát giá thị trường.

Có sản xuất hàng hoá thì có thị trường và cơ chế thị trường , đó là tất yếu khách quan. Chúng ta không thể né tránh (Trường Chinh, Hội nghị Bộ chính trị 1986)

Tư duy kinh tế mới của Trường Chinh tiếp nối trong nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Một số chính sách quan trọng trong thời kỳ này:

  • Nghị định 27/NĐ về kinh tế tư doanh và Nghị định 29/NĐ về kinh tế gia đình, cho phép phục hồi lại thành phần kinh tế tư nhân.

  • Quyết định 217-HĐBT ngày 14/11/1987 về tự chủ kinh doanh và sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh.

  • Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 cho phép tư bản ngoại quốc kinh doanh tại Việt Nam

  • Khoán 10 bỏ hoàn toàn mô hình Hợp tác xã: Lấy hộ làm đơn vị sản xuất tự chủ. Khoán 100 căn cứ trên mức sản xuất thực tế của hợp tác xã. Mức khoán này có thể bị nâng lên nếu nông dân làm ăn khấm khá, tạo ra hậu quả ngược.

  • Xoá bỏ hệ thống tem phiếu từ Quý II năm 1989

Đến năm 1989, khi khối cộng sản có những dấu hiệu rõ ràng của sụp độ. Ngày 4/6/1989, Trung quốc xẩy ra vụ Thiên An Môn. Đảng cộng sản thất thế tại Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Roumani, Bulgary. Trong khi đó nền kinh tế và chính trị của Việt Nam vẫn ổn định và chuyển đổi.


Qua những trang sách của Đặng Phong, mình hiểu thêm về đất nước mình. Nếu là học sinh kinh tế, mình mong bạn đọc để hiểu hơn về nền kinh tế kế hoạch hoá và có cái nhìn bao dung hơn. Còn riêng với mình, mình cảm ơn những thay đổi trong cách nghĩ của bậc đi trước. Sau cuốn sách này mình có một sự trân trọng lớn đến cựu Tổng Bí Thư Trường Chinh. Từ một nhà cộng sản thuần tuý, bác đã lắng nghe ý kiến của giới trí thức và đi xuống cơ sở để “đập đi” hoàn toàn tư duy cũ, xây dựng Việt Nam của hôm nay.


Chú thích

* Giá trượt là phương pháp tính mức giá bình quân thị trường thế giới trong 5 năm để hình thành giá cho năm sau. Việc mua bán trong khối SEV sử dụng giá trượt. Giá hữu nghị được áp dụng riêng trong khối SEV. Giá hữu nghị là giá bán buôn giữa các xí nghiệp quốc doanh Liên Xô.

** Phá rào là thuật ngữ chỉ các địa phương không thực hiện chính sách giá trần của Chính phủ và giao dịch theo giá thoả thuận.


422 views0 comments
bottom of page